26 August 2024

Vai trò quan trọng của kỹ năng mềm trong thành công trên thị trường lao động

Doan Hai Ma, Smriti Sharma, Saurabh Singhal, Finn Tarp

Vietnam

Trong thị trường lao động đang phát triển nhanh chóng như hiện nay, các kỹ năng mềm có vai trò rất quan trọng. Những kỹ năng không thiên về mặt kỹ thuật như nhận thức về bản thân, quản lý cảm xúc và kỹ năng tương tác xã hội, là cần thiết để điều hướng sự phức tạp của những nơi làm việc hiện đại.

Trong khi các kỹ năng kỹ thuật và giáo dục chính quy vẫn rất quan trọng, các nhà tuyển dụng ngày càng coi trọng các kỹ năng mềm vì chúng nâng cao đáng kể khả năng thích ứng và hiệu quả công việc của một cá nhân.

Tại Việt Nam, một quốc gia có nền kinh tế năng động và tỉ lệ dân số trẻ cao, việc nhấn mạnh vào kỹ năng mềm là rất phù hơp với các sinh viên tốt nghiệp đại học, những người đang tìm cách đảm bảo và phát triển sự nghiệp của mình.

Bối cảnh thị trường lao động Việt Nam

Thị trường lao động Việt Nam đã trải qua quá trình chuyển đổi đáng kể trong vài thập kỷ qua, được thúc đẩy bởi các cải cách kinh tế, toàn cầu hóa và tiến bộ công nghệ.

Đất nước đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong các lĩnh vực như sản xuất, công nghệ và dịch vụ. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng tạo ra một khoảng cách đáng kể trong bộ kỹ năng của lực lượng lao động.

Theo quan điểm của người sử dụng lao động, việc tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng mềm tốt sẽ thúc đẩy năng suất lao động cao hơn và môi trường làm việc tốt hơn.

Những nhân viên có thể thích nghi với môi trường mới, làm việc nhóm tốt và xử lý căng thẳng, sẽ giúp ích cho công ty của họ. Thực tế, trong bối cảnh các quốc gia đang phát triển khác, các kỹ năng mềm đã được chứng minh là yếu tố then chốt khi định mức lương.

Tuy nhiên, sinh viên tốt nghiệp đại học Việt Nam, mặc dù thường thành thạo về kiến thức chuyên môn và lý thuyết hàn lâm, nhưng lại thường thiếu các kỹ năng mềm cần thiết để phát triển trong môi trường chuyên nghiệp. Khoảng cách này đặt ra một thách thức đáng kể cho cả người tìm việc và người sử dụng lao động.

Thu hẹp khoảng cách kỹ năng mềm cho sinh viên tốt nghiệp đại học

Một trong những lý do chính khiến kỹ năng mềm trở nên rất cần thiết trong thị trường lao động Việt Nam là bản chất của môi trường làm việc hiện đại. Các công ty ngày nay hoạt động trong môi trường có tính cộng tác cao, nơi mà giao tiếp giữa các cá nhân và làm việc nhóm là rất quan trọng.

Đối với những sinh viên tốt nghiệp đại học tại Việt Nam, sở hữu kỹ năng mềm tốt có thể tạo nên sự khác biệt giữa một nhân viên bậc trung và một thành viên không thể thiếu trong nhóm.

Tập trung vào ba kỹ năng mềm chính — tự nhận thức bản thân, quản lý cảm xúc và tương tác xã hội—có thể nâng cao đáng kể khả năng được tuyển dụng và thành công trong sự nghiệp của họ.

Vietnam

Tự nhận thức bản thân: Hiểu bản thân là nền tảng của sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp. Tự nhận thức bản thân bao gồm việc nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, những giá trị và động lực của bản thân. Đối với sinh viên tốt nghiệp đại học tại Việt Nam, việc tự nhận thức bản thân có thể đóng vai trò dẫn dắt cho các lựa chọn nghề nghiệp và phát triển nghề nghiệp. Nó giúp các cá nhân xác định các vai trò phù hợp với kỹ năng và sở thích của họ, từ đó đạt được sự thoả mãn trong công việc và hiệu quả công việc cao hơn. Ngoài ra, những cá nhân tự nhận thức bản thân thường sẵn sàng tìm kiếm phản hồi và liên tục cải thiện hơn, và điều này được các nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Kỹ năng quản lý cảm xúc: Khả năng quản lý cảm xúc của một người là rất quan trọng trong việc duy trì sự hòa hợp và năng suất tại nơi làm việc. Kỹ năng quản lý cảm xúc bao gồm quản lý căng thẳng, khả năng phục hồi và sự đồng cảm. Những sinh viên tốt nghiệp đại học Việt Nam có khả năng điều chỉnh cảm xúc của mình sẽ có thể xử lý các thách thức tại nơi làm việc một cách hiệu quả hơn. Họ có thể giữ bình tĩnh dưới áp lực, vượt qua những thất bại và thể hiện sự đồng cảm với đồng nghiệp và khách hàng. Những phẩm chất này không chỉ cải thiện hiệu quả công việc của cá nhân mà còn góp phần tạo nên môi trường làm việc thuận lợi.

Kỹ năng tương tác xã hội: Kỹ năng giao tiếp và thuyết trình hiệu quả là không thể thiếu trong môi trường làm việc ngày nay. Đối với sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam, khả năng diễn đạt ý tưởng một cách rõ ràng và tự tin là điều cần thiết cho làm việc nhóm, tương tác với khách hàng và vai trò lãnh đạo. Kỹ năng giao tiếp tốt bao gồm cả khả năng nói và viết, cũng như lắng nghe tích cực. Mặt khác, kỹ năng thuyết trình liên quan đến khả năng truyền đạt thông tin một cách hấp dẫn và thuyết phục. Việc thành thạo các kỹ năng này giúp sinh viên tốt nghiệp có thể trình bày công việc của mình, ảnh hưởng đến các quyết định, và xây dựng các mối quan hệ trong công việc.

Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm thông qua phát triển kỹ năng mềm

Với tầm quan trọng của các kỹ năng mềm, việc sinh viên tốt nghiệp đại học Việt Nam chủ động phát triển các kỹ năng này là rất cần thiết.

Sinh viên Việt Nam nhận thức được điều này. Trong một cuộc khảo sát sinh viên theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Hà Nội và Bắc Ninh được thực hiện vào năm 2021, một nửa số người được hỏi quan tâm đến việc tham gia khóa học kỹ năng mềm, nhưng chỉ có 12,6% trong số họ từng tham gia các khóa học kỹ năng mềm.

Không có đủ thời gian (65%) và không biết bất kỳ cơ sở nào cung cấp các khóa học này (52%) là những lý do phổ biến nhất khi không tham gia một khoá học nào.

Các khóa học về kỹ năng mềm

Các trường đại học và các cơ sở giáo dục đại học khác đã chậm nhận ra nhu cầu về kỹ năng mềm này. Tuy nhiên, những kỹ năng như vậy có thể phát triển và được hình thành ngay cả ở cuối tuổi vị thành niên và giai đoạn đầu tuổi trưởng thành.

Trong một dự án do Danida tài trợ, Nhóm nghiên cứu kinh tế phát triển tại Đại học Copenhagen (DERG), Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) và Novaedu đã cùng hợp tác để cung cấp khoá đào tạo kỹ năng mềm cho 1.600 sinh viên giáo dục nghề nghiệp tại Hà Nội và Bắc Ninh từ tháng 12 năm 2021 đến tháng 5 năm 2022.

Các sinh viên đã tham dự 7 buổi trực tuyến, mỗi buổi 3 giờ, bao gồm các chủ đề bao gồm: thiết lập mục tiêu; tư duy biết ơn và thái độ học tập; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng thuyết trình; kỹ năng kiểm soát cảm xúc tiêu cực và kỹ năng tư duy tích cực.

Thông qua các buổi học, sinh viên được kỳ vọng sẽ học được cách xác định điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, có tư duy tích cực và động lực, hiểu được cảm xúc của chính mình và cải thiện kỹ năng giao tiếp và thuyết trình của mình.

Phần lớn (94,2%) sinh viên được mời đã tham gia khóa đào tạo đã tham gia và phản hồi của họ khi kết thúc khóa học là tích cực. Cụ thể, 98% sinh viên tham dự cho biết họ hài lòng với kiến thức thu được, phương pháp giảng dạy, trình độ chuyên môn cũng như sự tận tâm của giảng viên.

Các sinh viên cũng cho biết khóa học đã giúp họ tự tin hơn trong các bài thuyết trình và phỏng vấn xin việc, đặt ra mục tiêu của riêng mình và hướng tới con đường sự nghiệp tương lai. Dưới đây là một số ví dụ về phản hồi từ sinh viên.

Vietnam

“Em may mắn là một trong những sinh viên tham gia chương trình đào tạo Kỹ năng mềm do ILSSA và NovaEdu tổ chức. Sau khi tham gia chương trình, từ một người không chắc chắn và nhút nhát, do dự trước đám đông, em đã hiểu được mình thực sự muốn gì. Bây giờ em có thể tự tin thuyết trình trước nhiều người mà không sợ hãi. Em đã có những thay đổi tích cực đáng kể, giải quyết được các vấn đề cá nhân của mình. Em thấy chương trình này rất có ích và tin rằng chương trình này nên được tổ chức về lâu dài cho sinh viên.”

“Là một sinh viên sắp tốt nghiệp, em thấy chương trình đào tạo kỹ năng mềm của NovaEdu rất thực tế. Nó đã cung cấp cho em những kỹ năng mà không phải trường nào cũng dạy. Em không còn lo lắng khi đi phỏng vấn xin việc, biết cách phát huy tối đa khả năng của mình để thực hiện công việc tốt hơn. Em rất biết ơn trường, NovaEdu và các giáo viên đã giúp em có được kiến thức thực tế, giúp em tiến bộ từng ngày.”

“Là một sinh viên năm cuối tham gia khóa học kỹ năng mềm này, khóa học đã giúp em có được những suy nghĩ chín chắn hơn trong cuộc sống. Không còn là một người vô tư lự không có định hướng rõ ràng, em đã học được cách đặt ra mục tiêu và tìm kiếm con đường phù hợp hơn cho tương lai.”

Thông qua các hoạt động tiếp theo, dự án sẽ khảo sát lại sinh viên để đánh giá định lượng những lợi ích mang lại từ khoá học trên thị trường lao động sau khi tốt nghiệp.

Kết luận

Tóm lại, kỹ năng mềm là điều không thể thiếu đối với những sinh viên mới tốt nghiệp khi bước vào thị trường lao động cạnh tranh của Việt Nam.

Trong khi kiến thức chuyên môn và trình độ học vấn vẫn quan trọng, khả năng hiểu bản thân, quản lý cảm xúc và giao tiếp hiệu quả giúp cá nhân trở nên nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng.

Đối với những sinh viên mới tốt nghiệp tại Việt Nam, đầu tư vào việc phát triển những kỹ năng mềm này không chỉ là chiến lược để có việc làm ngay sau khi ra trường mà còn là nền tảng cho sự thành công lâu dài trong sự nghiệp.

Topics